HƯỚNG DẪN CÁCH TÍNH THUẾ CHO THUÊ NHÀ NĂM 2021

Hoạt động cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng... tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hết sức phổ biến. Song song với đó, những cá nhân có thu nhập phát sinh từ việc cho thuê tài sản có nghĩa vụ phải đóng thuế. Vậy cho thuê nhà phải nộp những loại thuế nào? Cách tính thuế cho thuê nhà như thế nào? Thực hiện kê khai thuế cho thuê nhà qua mạng ra sao?

Trong bài viết này Nhà thuê Hải Phòng xin giải đáp những câu hỏi trên cũng như hướng dẫn quý độc giả cách tính thuế cho thuê nhà  một cách chi tiết nhất. Cùng theo dõi nhé!

Các loại thuế phải nộp khi cho thuê nhà 2021

Để biết các loại thuế phải nộp khi cho thuê nhà các bạn căn cứ vào tổng doanh thu từ việc cho thuê nhà phát sinh trong năm dương lịch. Cụ thể như sau:

  1. Trường hợp: mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống: Được miễn thuế
  2. Trường hợp: mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai và nộp đầy đủ 3 loại thuế:
  • Thuế môn bài
  • Thuế GTGT
  • Thuế thu nhập cá nhân.

⇒ Như vậy, doanh thu từ tiền thuê nhà phải trên 100 triệu đồng/năm thì mới phát sinh nghĩa vụ nộp thuế nhé! Nếu dưới 100 triệu/năm thì sẽ các bạn sẽ được miễn thuế.

Cách xác định doanh thu ngưỡng 100 triệu

Cách xác định thuế GTGT và TNCN phải nộp cho thuê nhà

Trường hợp 1: Khi tính thuế GTGT và TNCN đối với tiền thuê nhà, dù đã biết ngưỡng thu thuế là trên 100 triệu/ năm nhưng nhiều khi bên cho thuê gặp khó khăn không biết phải tính thuế như thế nào trong trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm trong 1 lần. TinLaw sẽ lấy ví dụ để các bạn có thể hình dung và biết cách tự tính cho mình.

Ví dụ:

Ông Nguyễn Văn A ký hợp đồng cho thuê nhà từ tháng 6/2020 đến hết tháng 5/2022 (2 năm) với mức tiền cho thuê là 10 triệu/tháng, thanh toán 1 lần ngay khi ký hợp đồng. Như vậy, doanh thu tính thuế và thuế phải nộp đối với doanh thu trả tiền một lần từ hoạt động cho thuê nhà của Ông Nguyễn Văn A xác định như sau:

  • Năm 2020, ông Nguyễn Văn A cho thuê nhà 07 tháng (từ tháng 06 đến hết tháng 12) với doanh thu cho thuê là: 07 tháng x 10 triệu đồng = 70 triệu đồng (< 100 triệu đồng). Như vậy, năm 2020 ông Nguyễn Văn A không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê nhà.
  • Năm 2021, ông Nguyễn Văn A cho thuê nhà 12 tháng (từ tháng 01 đến hết tháng 12), với doanh thu cho thuê là: 12 tháng x 10 triệu đồng = 120 triệu đồng (> 100 triệu đồng). Như vậy, năm 2021 ông Nguyễn Văn A phải nộp thuế giá trị gia tăng, phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê nhà.
  • Năm 2022, ông Nguyễn Văn A cho thuê nhà 05 tháng (từ tháng 01 đến hết tháng 5), với doanh thu từ hoạt động cho thuê là: 05 tháng x 10 triệu đồng = 50 triệu đồng (< 100 triệu đồng). Như vậy, năm 2022 ông Nguyễn Văn A không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê nhà.

=> Sau khi xác định doanh thu tính thuế của từng năm thì ông Nguyễn Văn A thực hiện khai thuế một lần với doanh thu trả tiền một lần là 180 triệu đồng, doanh thu phát sinh số thuế phải nộp là 120 triệu đồng và số thuế phải nộp một lần cho cả hợp đồng là 12 triệu đồng (120 triệu đồng x (5% + 5%)).

Các bạn tham khảo thêm Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản và Điều 1 Thông tư 119/2014/TT-BTC để hiểu vì sao TinLaw lại tính thuế như ví dụ ở trên.

Trường hợp 2: Nhiều cá nhân đồng sở hữu tài sản cho thuê thì trách nhiệm nộp thuế thuộc về ai?

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A và Bà Lê Thị B là đồng sở hữu một căn nhà, năm 2020 hai cá nhân cùng thống nhất cho thuê căn nhà đồng sở hữu với giá cho thuê là 180 triệu đồng/năm - tính theo năm dương lịch (>100 triệu đồng) và ông Nguyễn Văn A là người đại diện thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Như vậy, ông A thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản nêu trên với doanh thu tính thuế là 180 triệu đồng.

Ngược lại mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng được xác định cho 01 người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.

Cách xác định thuế môn bài cho thuê nhà phải nộp

Theo Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP và điều 3 Thông tư  302/2016/TT-BTC quy định:

"Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân."

Tóm lại: Nếu cá nhân cho thuê nhà mà có doanh thu 100 triệu/năm trở xuống thì sẽ: KHÔNG phải nộp thuế Môn bài, TNCN, GTGT.

Doanh nghiệp thuê nhà cần chuẩn bị hồ sơ để đưa vào chi phí:

  • Hợp đồng thuê nhà, phụ lục hợp đồng (Từ ngày 1/7/2015 thì không bắt buộc phải công chứng, Theo văn bản số 4528/TCT-PC ngày 02/11/2015 của Tổng cục Thuế)
  • Chứng từ thanh toán tiền thuê nhà (Không nhất thiết phải có chứng từ chuyển khoản cũng được theo điểm 2.4 khoản 2 4 khoản 2 điều 4 Thông tư 96, vì không có hóa đơn). Kê khai thuế thu nhập cá nhân cho thuê nhà

Cách tính thuế khi cho thuê nhà trường hợp có doanh thu trên 100 triệu/năm

Cách tính thuế môn bài cho thuê nhà

Căn cứ theo Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC mức lệ phí môn bài từ việc cho thuê nhà được xác định theo doanh thu cho thuê như sau:

Doanh thu bình quân năm

Mức phí môn bài cả năm

Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm

1.000.000 đồng/năm

Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm

500.000 đồng/năm

Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm

300.000 đồng/năm.

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.

  • Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.
  • Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.

Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

  • Trường hợp cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm.

Cách tính thuế GTGT và TNCN cho thuê nhà:

Theo điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:

"Doanh thu tính thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế GTGT đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác không bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

Doanh thu tính thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN xác định theo doanh thu trả tiền một lần.”

Cách xác định số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT X 5%

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN X 5%

 Như vậy: Nếu Tổng doanh thu cho thuê nhà > 100 triệu/năm thì cá nhân cho thuê nhà phải nộp:

Tổng thuế phải nộp = (Doanh thu  X  10%)  + Phí môn bài

Ví dụ minh họa tính thuế từ cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu/năm

Ví dụ 1:

Công ty X thuê nhà của ông Nguyễn Văn A thời gian từ 1/1/2020 đến 31/12/2020, giá thuê là 11.250.000/1 tháng chưa bao gồm thuế. Thanh toán 6 tháng 1 lần: 67.500.000đ. Bên thuê sẽ chịu các khoản thuế phát sinh.

* Lưu ý: Thông thường thuế từ tiền thuê nhà sẽ do bên phát sinh thu nhập nộp (tức ông A), nhưng trong trường hợp giả định ở trên 2 bên đã thỏa thuận là bên thuê (tức công ty X) là người chịu thuế. Do đó, sau khi tính được số tiền thuế thì công ty X là đơn vị phải đi kê khai và nộp thuế.

Cách tính thuế cho thuê nhà năm 2020 của công ty X như sau:

Mức thuế môn bài khi cho thuê nhà = 300.000 đồng (Vì mức doanh thu rơi vào khoảng trên 100tr đến 300tr/ năm)

Cách tính thuế GTGT + TNCN phải nộp:

Theo Công văn 3822/TCT-DNL ngày 22/08/2016 của Tổng cục thuế:

"Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê tài sản thuộc diện chịu thuế là doanh thu đã bao gồm thuế. Trường hợp Công ty TM&XNK Viettel ký hợp đồng thuê tài sản của các cá nhân, trong hợp đồng quy định giá thuê chưa bao gồm thuế và Công ty chịu trách nhiệm nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê tài sản thì Công ty xác định doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN bằng (=) doanh thu chưa bao gồm thuế trả cho cá nhân cho thuê tài sản chia cho (:) 0.9."

  • Cách tính thuế GTGT cho thuê nhà phải nộp:

Theo quy định trên: Doanh thu tính thuế GTGT là doanh thu bao gồm thuế của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Và vì trên hợp đồng thể hiện là bên thuê sẽ chịu các khoản thuế nên:

Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa gồm thuế chia chi (:) 0.9

-> Doanh thu tính thuế GTGT = 11.250.000 / 0.9 = 12.500.000

-> Tổng doanh thu tính thuế GTGT 6 tháng = 12.500.000 x 6 tháng = 75.000.000

=> Tổng số thuế GTGT phải nộp = 75.000.000 x 5% = 3.750.000

  • Cách tính thuế thu nhập cá nhân cho thuê nhà phải nộp:

Tương tự như trên:

Doanh thu tính thuế TNCN = 11.250.000 / 0.9 = 12.500.000

-> Tổng doanh thu tính thuế TNCN 6 tháng = 12.500.000 x 6 tháng = 75.000.000

=> Tổng số thuế TNCN phải nộp = 75.000.000 x 5% = 3.750.000

Như vậy:

  • Tổng số thuế GTGT + TNCN phải nộp = 3.750.000 + 3.750.000 = 7.500.000
  • Số thuế môn bài = 300.000

Ví dụ 2: Cùng với nội dung của ví dụ 1 bên trên. Nhưng giá thuê là 11.250.000 là giá đã bao gồm thuế

=> Doanh thu tính thuế GTGT = 11.250.000 (Không phải chia cho (:) 0.9 nữa)

-> Tổng doanh thu tính thuế GTGT 6 tháng = 11.250.000 x 6 tháng = 67.500.000

=> Tổng số thuế GTGT phải nộp = 67.500.000 x 5% = 3.375.000

Tiền thuế GTGT, TNCN từ cho thuê nhà nếu doanh nghiệp thuê tài sản nộp thay có được đưa vào chi phí hợp lý?

Chú ý: Theo khoản 2 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:

"Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân."

Tức là: Nếu doanh nghiệp muốn đưa khoản tiền thuế thuê nhà nộp thay vào chi phí được trừ thì: Trên hợp đồng phải thể hiện tiền thuế nhà chưa bao gồm thuế và doanh nghiệp nộp thuế thay.

Ví dụ 3: Cùng với ví dụ 2 bên trên: Giá thuê là 11.250.000 chưa bao gồm thuế (GTGT, TNCN) và Công ty X nộp thuế thay cho cá nhân => Thì công ty sẽ được tính vào chi phí được trừ: Tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay.

= Tổng tiền thuê tài sản + Tiền thuế GTGT + TNCN

= (11.250.000 x 6 tháng = 67.500.000) + 7.500.000 = 75.000.000

* Còn phần Tiền thuế môn bài nộp thay: Thì không được trừ nhé, vì trong Thông tư 96 bên trên, không quy định về vấn đề này.

Ai là người đi nộp thuế thu nhập cá nhân đối với tiền thuê nhà?

Theo Công văn 2994/TCT-TNCN ngày 24/7/2015 của Tổng cục thuế:

"2. Đối với cá nhân cho thuê tài sản:

Cá nhân cho thuê tài sản trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế,

hoặc Bên thuê tài sản khai và nộp thuế thay nếu trong hợp đồng có thoả thuận bên thuê là người nộp thuế.”

Như vậy có nghĩa là cá nhân cho thuê nhà hoặc doanh nghiệp thuê nhà kê khai cũng được nhé. Việc này sẽ được thể hiện rõ trên hợp đồng thuê tài sản.